CẤY ỐC TAI ĐIỆN TỬ (COCHLEAR IMPLANT)
Ốc tai điện tử là một thiết bị điện tử phục hồi một phần thính giác, lựa chọn cho những người bị nghe kém nặng sâu do tổn thương tai trong, sử dụng máy trợ thính không hiệu quả.
Không giống như máy trợ thính giúp khuếch đại âm thanh, ốc tai điện tử bỏ qua các phần bị tổn thương của tai để truyền tín hiệu âm thanh đến dây thần kinh thính giác.
Ốc tai điện tử có thể được đặt ở một bên tai hoặc cả hai tai. Cấy ốc tai điện tử ở cả hai tai hiện nay đã bắt đầu phổ biến hơn để điều trị cho người nghe kém nặng sâu hai bên - đặc biệt đối với trẻ sơ sinh và trẻ em đang học ngôn ngữ.
Thực hiện lần đầu: Vào đầu thập niên 70.
Phát triển: từ đơn đến đa điện cực. Vào những năm đầu của thập niên 70, GS. Graeme Clark và cộng sự, đại học tổng hợp Melbourne – Úc đã nghiên cứu và phát triển hệ thống điện cực này.
Bệnh nhân: người lớn và trẻ em từ nghe kém nặng đến sâu do tổn thương ốc tai.
Lợi ích: giúp hòa nhập với cộng đồng và giúp nhiều trong việc học tập cũng như phát triển nghề nghiệp, cải thiện chất lượng sống.
Chỉ định cấy điện ốc tai: ứng viên cấy ốc tai điện tử cần đạt các yêu cầu sau:
Nghe kém nặng hoặc sâu, đeo máy nghe không hiệu quả (Khả năng hiểu lời kém khi không đọc môi dù đã đeo máy nghe phù hợp).
Nghe kém do tổn thương tế bào thần kinh ốc tai.
Cấu trúc giải phẫu ốc tai bình thường hoặc một số dị dạng có thể tiến hành phẫu thuật đặt được điện cực.
Không có các chống chỉ định về mặt y khoa cho cuộc phẫu thuật.
Kỳ vọng thực tế về những gì cấy ghép ốc tai điện tử có thể và không thể làm đối với thính giác.
Cấu tạo của hệ thống cấy điện ốc tai:
Hệ thống này gồm 2 phần: Bộ phận bên trong và bộ phận bên ngoài.
Speech processor: Bộ xử lý lời
Microphone: Micro
Transmitter (Coil and cable): Lõi từ và dây truyền tín hiệu
Receiving antena:anten nhận
Internal magnet: Nam châm bên trong
Receiver: Bộ phận nhận
Electrode array: Dãy điện cực
Bộ phận cấy bên trong
Đây là phần được đặt vào trong xương phía sau tai.
Cấu tạo của nó gồm một nam châm, một bộ phận vừa nhận vừa kích thích và các điện cực xếp theo hàng kéo dài từ bộ phận tiếp nhận đến ốc tai.
Bộ phận bên ngoài: gồm 3 phần
Speech processor (Bộ xử lý lời nói):
Bộ phận này giống như một cái radio nhỏ bỏ túi, chọn lọc và mã hóa những âm thanh dùng để hiểu lời. Nó có thể được đeo ở bất kỳ chỗ nào mà thấy thuận tiện.
Directional microphone (Micro định hướng):
Nằm ngay sau tai, dùng để thu nhận âm thanh từ môi trường xung quanh.
Transmitter coil and cable (Lõi từ và dây truyền tín hiệu):
Một sợi mỏng nối từ microphone đến speech processor.
Transmitter coil là một vòng được bao bọc bằng nhựa có đường kính 33mm đặt ngay phía ngoài của nam châm phía trong.
Hoạt động của hệ thống cấy ốc tai điện tử:
Ốc tai điện tử sử dụng bộ xử lý âm thanh đặt sau tai. Bộ xử lý thu tín hiệu âm thanh và gửi chúng đến một bộ thu được cấy dưới da sau tai. Máy thu gửi tín hiệu đến các điện cực được cấy vào tai trong (ốc tai).
Các tín hiệu kích thích dây thần kinh thính giác, sau đó chuyển chúng đến não. Bộ não diễn giải những tín hiệu đó thành âm thanh, mặc dù những âm thanh này sẽ không giống như thính giác bình thường.
Cần có thời gian và huấn luyện để học cách diễn giải các tín hiệu nhận được từ ốc tai điện tử. Trong vòng một năm sử dụng, hầu hết những người được cấy ghép ốc tai điện tử đều đạt được những lợi ích đáng kể trong việc hiểu giọng nói.
Âm thanh đi vào microphone (Bộ phận tiếp nhận âm thanh) ở sau tai.
Từ microphone âm thanh được truyền đến Speech processor (Bộ xử lý lời).
Speech processor chọn lọc và mã hóa những âm thanh để hiểu lời.
Những mã hóa điện này được truyền cho Transmitter (Bộ phận dẫn truyền âm thanh).
Transmitter truyền các mã hóa qua da đến receiver (Bộ phận tiếp nhận).
Receiver chuyển những mã hóa này thành những tín hiệu điện đặc biệt và chuyển chúng đến dãy điện cực.
Các điện cực được xếp thành hàng trong một ống mềm silicon. Mỗi một điện cực có một sợi dây nối với receiver. Những tín hiệu điện đã được mã hóa được truyền đến những điện cực đặc biệt mà mỗi điện cực này có những chương trình đặc biệt để cung cấp âm thanh theo độ lớn và âm sắc khác nhau.
Các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả của cấy điện ốc tai:
Nghe kém xảy ra trước khi học nói hay sau khi học nói.
Thời gian nghe kém.
Khả năng học ngôn ngữ của bệnh nhân.
Các rối loạn tâm lý hành vi đi kèm.
Hoạt động của các sợi thần kinh thính giác, cấu trúc của ốc tai.
Hợp tác của cha mẹ và người thân.
Mức độ thường xuyên của quá trình huấn luyện ngôn ngữ.
Những hạn chế của cấy điện ốc tai:
Ốc tai điện tử không thể giúp tất cả những người nghe kém nặng và sâu mà phải chọn lọc.
Ốc tai điện tử có thể giúp người này nhiều hơn người kia.
Âm thanh nghe được qua ốc tai điện tử khác với bình thường. Người nghe kém phải học dịch những gì họ nghe thấy vì thế đôi khi cần có thời gian và kinh nghiệm.
Chuẩn bị trước phẫu thuật:
Ứng viên cấy ốc tai điện tử cần được đánh giá:
Các xét nghiệm thính học, thính lực lời.
Khả năng ngôn ngữ, giao tiếp, giọng nói.
Đánh giá thăng bằng nếu cần.
Đánh giá sức khỏe tồng quát chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật.
Chẩn đoán hình ảnh CT và MRI sọ não để đánh giá tình trạng cấu trúc tai trong, thần kinh sau ốc tai, thân não, não…
Kiểm tra tâm thần, tâm lý trong một số trường hợp để xác định khả năng học cách sử dụng thiết bị cấy ghép ốc tai điện tử, và học ngôn ngữ.
Quá trình phẫu thuật:
Thời gian phẫu thuật thường từ 2-4 giờ.
Sơ lược quá trình phẫu thuật như sau:
Bệnh nhân được gây mê.
Rạch da sau tai.
Bóc tách bộc lộ mặt ngoài xương chũm.
Khoan xương chũmvào sào bào, xác định ngành ngang xương đe, mở hòm nhĩ sau.
Xác định cửa sổ tròn, gân cơ bàn đạp, dây thần kinh mặt.
Khoan mài gờ cửa sổ tròn, bộc lộ hoàn toàn màng cửa sổ tròn.
Khoan xương sọ tạo giường điện cực và đường hầm đặt dây điện cực.
Đặt điện cực vào qua cửa sổ tròn vào ốc tai.
Kiểm tra đáp ứng thần kinh các điện cực.
Đóng vết mổ.
Một số đường rạch da sau tai
Phẫu thuật cấy ốc tai
Hậu phẫu:
Bệnh nhân cò thể bị đau, sưng vị trí vết mổ, chóng mặt hoặc buồn nôn… trong vài ngày đầu.
Thông thường sẽ không kích hoạt ốc tai điện tử trong khoảng hai đến sáu tuần sau khi phẫu thuật để cho mô vị trí phẫu thuật có thời gian lành lại.
Những biến chứng có thể gặp trong và sau khi cấy ốc tai và hướng giải quyết:
Phẫu thuật thường an toàn, ít gặp biến chứng, có thể bao gồm:
Tai biến do gây mê: sốc thuốc mê, trụy tim mạch, phù phổi cấp, suy hô hấp, … -> cấp cứu hồi sức tích cực.
Chảy máu: cầm máu.
Liệt mặt: nếu liệt nhẹ tự khỏi, nếu bị đứt thần kinh mặt có thể nối lại.
Viêm não, màng não: tiêm ngừa viêm màng não trước phẫu thuật giúp giảm nguy cơ, có thể điều trị bằng kháng sinh.
Dò dịch não tủy: sửa chữa trong lúc phẫu thuật.
Nhiễm trùng huyết: có thể điều trị bằng kháng sinh.
Nhiễm trùng vết mổ hoặc vị trí đặt thiết bị bên trong -> có thể điều trị bằng kháng sinh, mở lại vết mổ. phẫu thuật lấy điện cực ra điều trị hết nhiễm trùng và cấy lại sau đó.
Chóng mặt, mất thăng bằng sau phẫu thuật: điều trị nội khoa.
Rối loạn vị giác
Ù tai mới xuất hiện hoặc nặng thêm.
Dị ứng thiết bị cấy ghép -> phẫu thuật lấy điện cực ra.
Điện cực hoặc giường điện cực di lệch khỏi vị trí ban đầu -> có thể phẫu thuật đặt lại.
Điện cực không hoạt động một phần hay toàn bộ -> có thể phẫu thuật thay điện cực.
Kích hoạt thiết bị:
Việc kích hoạt thiết bị thường bắt đầu 4-6 tuần sau phẫu thuật. Sau đó việc hiệu chỉnh phải được tiến hành định kỳ theo lịch hẹn.
Để kích hoạt ốc tai điện tử, nhà thính học sẽ:
Kiểm tra các thành phần của ốc tai điện tử để đảm bảo chúng hoạt động.
Điều chỉnh bộ xử lý âm thanh cho phù hợp với từng cá nhân.
Xác định âm thanh bệnh nhân nghe.
Cung cấp thông tin về cách chăm sóc và sử dụng thiết bị đúng cách.
Huấn luyện nghe nói:
Huấn luyện nghe nói là việc huấn luyện não để hiểu âm thanh nghe được qua ốc tai điện tử. Lời nói và tiếng ồn môi trường hàng ngày sẽ nghe khác với những gì bệnh nhân nhớ.
Bộ não sẽ cần thời gian để nhận ra những âm thanh này có nghĩa là gì. Quá trình này diễn ra liên tục và đạt được hiệu quả tốt nhất bằng cách sử dụng thiết bị liên tục trong giờ thức.
Việc huần luyện cần bắt đầu sớm và thường xuyên. Được cung cấp bởi các nhóm chuyên nghiệp, hợp tác chặt chẽ giữa chuyên viên âm ngữ trị liệu và nhà thính học để đạt hiệu quả cấy ốc tai tốt nhất.
Bệnh nhân cần được hỗ trợ toàn diện từ môi trường gia đình, trường học và xã hội.
Những trục trặc máy móc có thể gặp phải:
Hư hỏng bộ phận bên ngoài: sửa chữa, thay thế mới.
Bộ phận bên trong không hoạt động: phẫu thuật thay thế cái mới.
Kết quả nghe: có nhiều mức độ khác nhau sau thời gian luyện tập từ 2 đến 3 năm.
Kết quả của phẫu thuật cấy ghép ốc tai điện tử ở mỗi người là khác nhau.
Đối với trẻ em, kết quả tốt nhất thường xảy ra khi cấy điện cực ốc tai khi còn nhỏ.
Đối với người lớn, kết quả tốt nhất thường liên quan đến thời gian mất thính lực sâu trước khi cấy ốc tai điện tử ngắn hơn. Người lớn có ít hoặc không có kinh nghiệm về âm thanh có xu hướng ít được hưởng lợi hơn từ việc cấy ghép điện cực ốc tai.
Một số kết quả dự đoán có thể bao gồm:
Nghe rõ hơn. Nhiều người đáp ứng các tiêu chuẩn về thính giác để cấy ghép ốc tai điện tử cuối cùng có thể có được thính giác rõ ràng hơn khi sử dụng thiết bị này.
Khả năng nghe lời nói mà không cần dấu hiệu thị giác như đọc môi.
Nhận biết âm thanh môi trường bình thường, hàng ngày.
Khả năng nghe trong môi trường ồn.
Khả năng định hướng âm thanh.
Khả năng nghe các chương trình truyền hình, âm nhạc và các cuộc trò chuyện qua điện thoại.
Cải thiện tình trạng ù tai. Mặc dù tiếng ồn của tai (ù tai) không phải là lý do chính để cấy ghép điện cực ốc tai, nhưng thiết bị cấy ghép ốc tai điện tử có thể ngăn chặn một phần hoặc cải thiện mức độ nghiêm trọng của chứng ù tai trong quá trình sử dụng. Nó hiếm khi có thể làm trầm trọng thêm mức độ nghiêm trọng của chứng ù tai.
Tuy nhiên, có thể có các kết quả khác nhau: tùy thuộc vào tuổi lúc cấy, thời gian nghe kém trước cấy, khả năng ngôn ngữ (nghe và đọc môi) trước cấy, mức độ thường xuyên của việc huấn luyện nghe nói, sự hợp tác của người thân, tình trạng ốc tai và thiết bị…
Có bệnh nhân chỉ nghe được tiếng động.
Có bệnh nhân muốn nghe hiểu phải kết hợp với nhìn miệng.
Có bệnh nhận có thể nghe hiểu không cần nhìn hình miệng.
Có bệnh nhân có thể nghe được cả điện thoại.
Lưu ý khi sử dụng thiết bị ốc tai điện tử:
Mỗi ngày cần sử dụng pin mới hoặc pin đã sạc lại.
Cần phải tháo bộ phận bên ngoài khi tắm hoặc bơi lội.
Khi có yêu cầu chụp MRI, cần phải báo nhà cung cấp, có thể cần phải thực hiện thủ thuật trước khi chụp.
Bộ phận cấy ghép có thể bị hỏng do va đập khi gặp tai nạn hoặc khi chơi thể thao.
Mặc dù hiếm khi xảy ra, nhưng thiết bị cấy ghép có thể bị hỏng, khi đó sẽ cần phẫu thuật để thay thế.