ĐIỆN THÍNH GIÁC THÂN NÃO
(ABR AUDITORY BRAINSTEM RESPONSE)
Ở người bình thường sóng âm đi qua tai ngoài, tai giữa và đến ốc tai. Ở đây sóng âm được chuyển thành xung điện. Các xung điện này đi theo đường dẫn truyền thần kinh đến não..
Đường dẫn truyền thần kinh thính giác
Năm 1939, David và cộng sự trong khi đo điện não đồ (electroencephalogram) đã ghi nhận có sự thay đổi làm biên độ sóng lớn hơn trong biểu đồ điện não khi có kích thích âm thanh. Từ đó nhiều kỹ thuật đã được ứng dụng để ghi lại điện thế kích thích thính giác từ đo điện não (Dawson, 1951, 1954; Geisler và cộng sự 1958).
Vào những năm 70, người ta sử dụng phổ biến kết quả của đáp ứng thính giác thân não cho việc chẩn đoán.
Các phương pháp đo điện thế kích thích thính giác
Có 3 kĩ thuật đo điện thế do kích thích thính giác:
(1) Ghi điện ốc tai (Electrocochleography)
Nghiệm pháp ghi điện ốc tai là do các điện thế được kích gợi trong ốc tai và của thần kinh thính giác khi kích thích âm: đo âm ốc tai (cochlear microphonic), điện thế hoạt động tổng hợp và điện thế hoạt động của dây thần kinh VIII. Phương pháp nhạy nhất là dùng điện cực như cây kim xuyên qua màng nhĩ đặt vào ụ nhô (transty mpanic EcoG). Bất lợi của phương pháp này là phải đi qua màng nhĩ.
Người ta đã cải tiến điện cực vừa với ống tai và đặt gần màng nhĩ khi đo (transtympanic EcoG). Phương pháp này không xâm phạm đến màng nhĩ nhưng biên độ đáp ứng nhỏ hơn nhiều.
(2) Đo đáp ứng điện thính giác thân não (sẽ được trình bày kỹ ở phần tiếp theo).
(3) Đo đáp ứng điện thính giác vỏ não
Đây là nghiệm pháp đo các điện thế chậm và trung từ hệ thống thính giác trên cầu não. Hình dáng điện cực cũng giống như dùng đo đáp ứng điện thính giác thân não.
Lợi ích của phương pháp này là đo hầu hết các đáp ứng trung ương. Có các điện thế chậm liên quan đến phân biệt âm giúp chẩn đoán các rối loạn trung ương.
Một bất lợi lớn của phương pháp này là các điện thế bị ảnh hưởng bởi tình trạng ngủ và an thần. Cũng vì lý do này, đo điện kích thích thính giác vỏ não khó có thể thực hiện để đo ngưỡng nghe cho trẻ em.
Thập kỷ vừa qua, điện thế kích gợi thính giác được ứng dụng nhiều trong các lãnh vực thính học, tai học thần kinh và thần kinh học. Nó được chia làm 3 phần:
1. Các sóng xuất hiện sớm: xảy ra trong 10 miligiây đầu sau kích thích do hoạt động của các cấu trúc cầu não.
2. Các sóng xuất hiện giữa: xảy ra trong khoảng từ 10-50 miligiây sau kích thích do hoạt động của đồi thị và vỏ não thính giác.
3. Các sóng xuất hiện muộn: xảy ra từ 50 miligiây trở đi sau kích thích do hoạt động của vùng vỏ não thùy trán.
CÁC VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ ĐIỆN THÍNH GIÁC THÂN NÃO
Đo điện thế đáp ứng thính giác thân não là phương pháp quan trọng trong việc đánh giá chức năng sau ốc tai. Nó là một trong các nghiệm pháp đo điện thế kích gợi ứng dụng lâm sàng hữu hiệu. Nghiệm pháp này đo các điện thế xuất hiện sớm, khoảng 8-10 ms đầu trong điện thế thính giác ghi nhận được từ da đầu do hoạt động của các cấu trúc cầu não.
Hình : Sơ đồ biểu diễn quá trình ghi nhận sóng và các vị trí tạo điện thế kích thích thính giác (F.legent, P.Bordure, C, Calais , M-L. Ferri- Launay: Manuel Pratique des Tests de L’Audition, 1988).
3.1.Các loại sóng và hình dạng sóng:
Các loại sóng:
Ở người trưởng thành bình thường điện thế kích gợi thính giác thân não dược ghi nhận có 7 sóng hiện trong 10 miligiây dầu sau kích thích. 7 sóng này được ký hiệu bằng số La mã từ I đến VII. Các sóng I, II, III, IV, và V thường xuất hiện ở người trưởng thành có sức nghe bình thường. Sóng VI xuất hiện 84% và sóng VII chỉ xuất hiên có 43% ở tai kích thích ( Omka, 1994). Biểu đồ 2).
Biểu đồ : Các dạng sóng bình thường khi đo điện thế kích gợi thính giác thân não
Ở người bình thường cũng có nhiều dạng sóng khác nhau.
Điều quan trọng đặc biệt là dạng sóng có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như tuổi, bệnh tật và những thay đổi liên quan đến việc đo.Vì thế các thay đổi cvủa dạng sóng là dấu hiệu gợi ý cho một bệnh lý thần kinh thính giác.
3.2. Các vị trí tạo sóng điện của đáp ứng thính giác thân não
Các nghiên cứu trên động vật và các mối liên quan giữa bệnh học và lâm sàng ở người đã chỉ ra được vị trí tạo các sóng điện của kích thích thính giác thân não. Các vị trí sau đây dược chấp nhận tương đối rộng rãi:
Sóng I từ thần kinh thính giác
Sóng II từ nhân ốc tai
Sóng III tứ phức tạp trám trên
Sóng IV từ củ não sinh tư dưới
Sóng V từ nhân gối giữa
Sóng VI từ các đường tỏa đi của thính giác
3.3. Các thành phần của sóng điện đáp ứng thính giác thân não
Các tiêu chuẩn làm nền tảng để phân tích đáp ứng điện thính giác thân não là:
(1). Thời gian tiềm tàng của mỗi sóng (latency) tính bằng ms.
(2). Khoảng cách đỉnh sóng (interpeak latency) tính bằng ms.
(3). Biên độ đỉnh tính bằng microvolt.
(4). Tỷ lệ biên độ sóng I và V.
(5). Dạng sóng.
Chẩn đoán xác định thường dựa vào sự thay đổi của một hay nhiều yếu tố trên.
Thời gian tiềm tàng tuyệt đối ( absolute latency)
Thời gian tiềm tàng tuyệt đối của một dạng sóng là chu kỳ thời gian (tính bằng ms) giữa bắt đầu kích thích và đỉnh của đáp ứng đã được trung bình hóa.
Thời gian tiềm tàng giữa hai đỉnh (interpeak latency)
Thời gian tiềm tàng giữa hai đỉnh hay khoảng giữa sóng (interwave interval) là sự khác biệt giữa hai sóng chính. Khoảng thời gian này phản ánh thời gian dẫn truyền thần kinh hay còn gọi là dẫn truyền trung ương hoặc dẫn truyền cầu não.
Biên độ dạng sóng (waveform Amplitude)
Biên độ dạng sóng được đo từ đỉnh của sóng đến phần máng sóng hoặc giữa các đỉnh sóng gần kề. Những năm gần đây, tỷ lệ biên độ giữa sóng I và V được áp dụng nhiều hơn. Ở các bệnh nhân bình thường, sóng V lluôn luôn có biên độ lớn hơn sóng I vì thế tỷ số biên độ lơn > 1, tỷ số biên độ <1 là bất thường, có bệnh sau ốc tai.
3.4. Các yếu tố ảnh hưởng đến đáp ứng thính giác thân não bình thường
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến kết quả đo như điều kiện phòng đo, vị trí đặt các điên cực. Tuy chúng làm thay đổi rất nhỏ biên độ, thời gian tiềm tàng và hình dạng sóng nhưng cũng làm cho việc phân tích kết quả gặp khó khăn.
3.4.1 Các yếu tố kỹ thuật
Đặc tính lọc:
Một phương pháp làm giảm tỷ lệ giữa tín hiệu và tiếng ồn là lọc dải tần. Chuẩn để chọn lựa bộ lọc thích hợp là vùng tần số của đáp ứng thân não. Kevanishvili và Aphonchenko (1979) cho là các thành phần phổ chính của sóng I và II được cung cấp giữa 400-1000 Hz. Từ đó cho thấy bộ lọc có dải tần trong khoảng 150-1500Hz cho các đáp ứng rõ rệt nhất.
Trung bình số:
Là một trong những phương pháp hiệu lực nhất để loại trừ những hoạt động điện không mong muốn. Phương pháp này chỉ trung bình các đáp ứng lặp lại nhiều trong một thời gian nhất dịnh. Số trung bình tuyệt đối cần thiết để có đáp ứng rõ rệt phụ thuộc vào biên độ của đáp ứng thính giác điện thân não và số lượng hoạt động ngoài não không mong muốn.
Cực kích thích ( Stimulus Polarity)
Kích thích “đặc” (condensation stimulus) là kích thích ban đầu tạo ra áp lực dương tức là màng nhĩ bị đẩy lõm vào trong hòm nhĩ. Kích thích loãng (rarefaction stimulus) là kích thích ban đầu tạo ra áp lực âm tức màng nhĩ bị kéo ra ngoài. Người ta nhận thấy có sự khác nhau rất ít về thời gian tiềm tàng khi xử dụng hai loại cực kích thích này.
Tỷ lệ lập lại của kích thích ( Repetition Rate):
Nhiều nhà nghiên cứu đã báo cáo về ảnh hưởng của tỷ lệ lập lại của kích thích đối với thời gian tiềm tàng và biên độ đáp ứng ở người bình thường. Jewett và Williston (1971), Zollner, Karnahl và Strange (1976) nhận thấy có sự giảm biên độ và tăng thời gian tiềm tàng của sóng I và V, khi tỷ lệ lập lại của kích thích gia tăng từ 2.5/s đến 50/s.