Định nghĩa: nghe kém ở trẻ em
Trẻ có khó khăn về nghe (nghĩa là bị nghe kém hoặc điếc) là trẻ bị giảm ít nhiều hoặc toàn bộ sức nghe, khiến trẻ không nghe được ở khoảng cách và với cường độ âm thanh bình thường.
Nghe kém có thể xảy ra khi bất kỳ bộ phận nào của tai không hoạt động theo cách thông thường bao gồm tai ngoài, tai giữa, tai trong, dây thần kinh thính giác và hệ thống thính giác trung ương.
Hậu quả của nghe kém ở trẻ em:
Nghe kém (Khiếm thính) có thể đem lại những hậu quả nặng nề cho trẻ, trước hết là đối với việc học nói, tiếp đến là làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển ngôn ngữ và tính nết của trẻ.
Nghe kém càng nặng và xảy ra càng sớm thì hậu quả càng nghiêm trọng. Các hậu quả sẽ được giảm nhẹ rất nhiều nếu khiếm thính được phát hiện sớm và kịp thời thực hiện các biện pháp phục hồi chức năng cần thiết. Hiệu quả của việc phục hồi phụ thuộc rất nhiều vào việc phát hiện sớm.
Những khó khăn của trẻ bị nghe kém:
Giao tiếp:
Trẻ nghe kém thường không bắt kịp vào các cuộc nói chuyện đang diễn ra xung quanh.
Do nghe không rõ ràng và hiểu không thấu đáo nghĩa của cuộc nói chuyện, trẻ thường ngơ ngác khi được hỏi, hay hỏi lại người đối thoại.
Nếu bị điếc sâu, trẻ hoàn toàn phải sử dụng dấu và cử chỉ để giao tiếp.
Học hành: Vì trẻ không nghe được như bình thường nên việc nghe giảng rất khó khăn, dẫn tới các trở ngại trong học tập. Các môn học như văn học, Tiếng Việt, Sử, Địa... cần nghe nói và viết nhiều nên trẻ thường gặp khó khăn.
Xã hội:
Trẻ bị giảm thính lực thường bị hạn chế trong quan hệ xã hội và kết bạn, giao lưu do khó khăn về giao tiếp.
Tâm lý:
Đối với trẻ bị giảm thính lực ở độ tuổi nhỏ, những trở ngại tâm lý chủ yếu liên quan đến giao tiếp.
Do khó thể hiện được nhu cầu hoặc vì bất lực không hiểu những điều người xung quanh mong muốn, trẻ có thể cáu gắt, hay nổi khùng, dễ gây gổ…
Trẻ em ở độ tuổi thiếu niên có thể bị mặc cảm, tự ti, ngại giao tiếp, tránh chỗ có người lạ…
ĐÁNH GIÁ THÍNH LỰC TRẺ EM NHỎ (Các mốc thời gian)
1 tháng: mở mắt, chớp mắt
6 tháng: Quay đầu hoặc mắt nhìn theo hướng phát âm thanh
9 tháng: Lắng nghe và tự phát ra các loại âm từ lớn đến nhỏ
12 tháng: Biết tên mình và một số từ, bắt đầu bập bẹ nói
18 tháng: Biết chỉ một số đồ vật quen thuộc khi được yêu cầu, biết nói một số từ đơn giản
24 tháng: Có thể nghe những từ rất nhỏ và định được hướng, có khả năng nói những câu đơn giản
BẢNG CÂU HỎI ĐÁNH GIÁ SỨC NGHE CỦA TRẺ
< 1 tháng: Con của bạn có mở mắt nhắm mắt khi nghe tiếng động? Bé có vẻ như lắng nghe khi bạn nói hoặc hét không?
6 tháng: Con của bạn có nhìn theo hoặc quay đầu theo hướng phát âm thanh không? Bé có vui khi bạn nói chuyện với nó không?
9 tháng: Con của bạn có nghe được âm rất nhỏ không? Có thích bập bẹ hay tạo ra các âm khác không?
12 tháng: Khi bạn gọi tên, con của bạn có biết khơng? Khi bạn nói tên một số đồ chơi con bạn có biết không? Có bắt đầu bập bẹ vài từ không?
18 tháng: Khi bạn yêu cầu cầm lên hay chỉ một đồ vật gì con của bạn có làm theo không? Có biết sử dụng một số từ đơn giản không?
24 tháng: Con bạn có nghe được ngay cả khi bạn nói nhỏ khơng? Có biết nói những câu đơn giản với bạn không ?
Tầm soát và chẩn đoán
Phân độ nghe kém:
Tầm soát giúp phát hiện trẻ nghe kém. Tầm soát khá dễ dàng, nhanh chóng và không gây đau, trẻ có thể ngủ trong quá trình đo, thường chỉ mất vài phút.
Trẻ sơ sinh nên được tầm soát sức nghe trong vòng 1 tháng đầu sau khi sinh, khi còn đang ở trong bệnh viện. Nếu kết quả tầm soát không đạt (Refer), trẻ cần được khám sức nghe ở các đơn vị thính học chuyên sâu trước 3 tháng tuổi.
Trẻ lớn hơn cần được tầm soát sức nghe trước khi bắt đầu đi học hoặc bất cứ khi nào có bất thường về nghe. Nếu kết quả tầm soát không đạt (Refer), trẻ cần được khám sức nghe ở các đơn vị thính học chuyên sâu càng sớm càng tốt.
Các xét nghiệm thính học chuyên sâu:
Các trẻ qua tầm soát sức nghe kết quả không đạt và các trẻ có nghi ngờ suy giảm thính lực cần được khám sức nghe ở các đơn vị thính học chuyên sâu.
Việc đánh giá sức nghe này được thực hiện bởi các chuyên viên thính học.
Trước khi thực hiện các phép đo cần thu thập các thông tin về tiền sử lúc sanh, tiền sử bệnh, tình trạng nhiễm trùng tai, tiền sử nghe kém của gia đình.
Đối với trẻ nhỏ, việc đo thính lực chủ quan thường khó đạt kết quả chính xác, nên thực hiện phối hợp nhiều phép đo :
-Nghiệm pháp hành vi (Behavioral hearing tests) : Đo thính lực dựa trên quan sát hành vi
-Âm ốc tai (OAE)
-Điện thính giác thân não (ABR) / Đo đáp ứng bền vững thính giác (ASSR)
Đo thính lực hành vi (Behavioral hearing tests): Đánh giá đáp ứng nghe của bệnh nhân bằng hành vi của họ
1-Đo thính lực bằng cách quan sát hành vi *(BOA Behavioral Observation Audiometry):*Dành cho trẻ từ 0-5 tháng.
2-Đo thính lực có tăng cường thị giác *(VRA Visual Reinforcement Audiometry ):*Dành cho trẻ 6 tháng- 2 tuổi.
Hai giai đoạn:
§ Tập phản xạ nghe + nhìn: cho bé đồng thời nghe âm thanh từ loa phát ra vừa nhìn vào ảnh động, cho đền khi bé hiểu
§ Bắt đầu đo : phát âm thanh qua loa trước, khi bé quay tìm nguồn âm mới bật ảnh động để củng cố phản xạ.
3-Đo thính lực bằng phản xạ định hướng có điều kiện (Conditioned Orientation Reflex (COR) Audiometry): Tương tự VRA nhưng có nhiều hơn 1 nguồn âm và hình động. Nhiều phụ huynh mô tả là “Trò chơi tìm kiếm âm thanh”.
4-Đo thính lực sử dụng đồ chơi có điều kiện (Conditioned Play Audiometry (CPA): trẻ 2-3 hoặc 4-5 tuổi tùy theo trẻ có hợp tác hay không.
5-Đo thính lực thường qui (Conventional Audiometry): Trẻ ≥ 5 tuổi
Các kết quả đo thính giác có thể dùng để tham khảo và tư vấn bởi các chuyên khoa khác như bác sĩ tai mũi họng, , mắt, di truyền học…
Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ
Tỉ lệ nghe kém khi sinh là 0.2-0.4%
Gồm các nguyên nhân xảy ra trước, trong và sau khi sinh:
Nguyên nhân xảy ra trước khi sinh: Xảy ra trong thời gian mang thai
-Di truyền (gen trội, gen lặn, di truyển NST giới tính…)
-Bệnh lý (bệnh về máu, tiểu đường…)
-Nhiễm trùng, nhiễm siêu vi (Rubella, CMV, Herpes simplex…)
-Nhiễm độc (thuốc độc tai, X quang, tiêm chủng….)
b. Trong khi sinh:
-Sanh non dưới 6 tháng
-Cân nặng thấp dưới 2kg
-Chấn thương não do can thiệp sản khoa (forcep)
c. Sau khi sinh:
-Bệnh nhiễm trùng: viêm màng não mủ, sởi, quai bị, viêm não.
-Các bệnh của tai do viêm: viêm tai giữa cấp hoặc mạn tính
-Nhiễm độc thần kinh thính giác do một số thuốc (streptomycin, gentamycine, quinin..)
-Chấn thương vào đầu, chấn thương âm thanh…
Phòng ngừa
-Phòng ngừa các bệnh ở mẹ (chăm sóc sức khỏe tiền sinh sản và sức khỏe thai kỳ), trẻ (tầm soát khiếm thính, chăm sóc sức khỏe tai, điều trị tốt các bệnh lý tai , tiêm chủng định kỳ theo lịch, tránh nghe tiếng động lớn, khám thính lực ngay khi có biểu hiện nghe kém…)
-Khi bị nghe kém phải được can thiệp sớm.
Can thiệp càng sớm thì tác hại của nghe kém càng giảm.
Tùy theo từng loại nghe kém và nguyên nhân gây nghe kém mà chúng ta có các biện pháp can thiệp khác nhau: đeo máy nghe, cấy ốc tai, chương trình can thiệp sớm, học trường chuyên biệt, học hội nhập…
-Tầm soát khiếm thính
Can thiệp
Không có phương pháp điều trị hoặc can thiệp duy nhất nào dành cho mọi người hoặc mọi gia đình. Kế hoạch điều trị tốt sẽ bao gồm giám sát chặt chẽ, theo dõi và ghi nhận bất kỳ thay đổi nào cần thiết trong suốt quá trình. Có nhiều hình thức giao tiếp khác nhau cho trẻ khiếm thính và cho gia đình của trẻ.
-Trợ thính: máy trợ thính, cấy ốc tai điện tử…
-Can thiệp sớm , AVT
-Trường đặc biệt
-Hỗ trợ nghề
-Hỗ trợ xã hội
Vai trò của chuyên viên âm ngữ trị liệu đối với trẻ em khiếm thính có công nghệ phù hợp
Một đứa trẻ bị khiếm thính nhẹ có thể không nghe được một số âm thanh nhất định trong ngôn ngữ.
Nếu trẻ gặp khó khăn khi nghe các âm cao hơn, trẻ có thể bị thiếu các âm như “s”, “t”, “sh”, “f”, “th”, v.v. , nên có thể rất khó hiểu lời.
Một đứa trẻ bị mất thính lực nặng hoặc sâu có thể gặp các vấn đề nặng hơn về lời nói và ngôn ngữ. Nếu bộ não của trẻ không tiếp nhận ngôn ngữ khi còn nhỏ, trẻ sẽ gặp khó khăn hơn nhiều khi học sau này. (Đó là lý do tại sao rất khó để học ngôn ngữ thứ hai khi trưởng thành).
Trẻ bị khiếm thính nặng hoặc mất thính giác sâu không được trợ thính tốt thì cần được tiếp xúc với các dạng ngôn ngữ khác, như ngôn ngữ ký hiệu, để chúng không bị mất khả năng học ngôn ngữ và có thể giao tiếp với người khác phần nào.
Có thể làm gì cho trẻ khiếm thính?
Gia đình trẻ khiếm thính có nhiều lựa chọn thông qua sự giúp đỡ của chuyên viên thính học và chuyên viên âm ngữ trị liệu. Quan trọng là can thiệp càng sớm càng tốt. Trẻ em được xác định nghe kém ngay khi mới sinh và nên bắt đầu điều trị khi được 6 tháng tuổi. Trẻ em được xác định muộn hơn nên bắt đầu điều trị càng sớm càng tốt.
Việc chọn lựa kế hoạch can thiệp phụ thuộc vào hoàn cảnh gia đình, kinh tế, văn hóa, sở thích của gia đình và của trẻ. Mỗi trẻ mỗi khác nhau, không có một khuôn mẫu hoàn hảo cho tất cả mọi người.
Khuếch đại hoặc không khuếch đại
Có rất nhiều hình thức khuếch đại dành cho trẻ em (và người lớn) bị khiếm thính.
Máy trợ thính có thể được đặt cho trẻ từ 3-4 tuần tuổi và cấy ghép ốc tai điện tử thực sự có thể cung cấp đầu vào thính giác (âm thanh) cho trẻ bị điếc nặng và không được hưởng lợi từ việc khuếch đại máy trợ thính.
Gia đình cũng có quyền lựa chọn không khuếch đại. Các bậc cha mẹ chọn phương án này thường được tìm thấy trong các cộng đồng người khiếm thính. Nếu một đứa trẻ lớn lên trong một môi trường mà mọi người xung quanh đều nói ngôn ngữ ký hiệu (trôi chảy), đứa trẻ đó sẽ được tiếp xúc với ngôn ngữ thông qua việc sử dụng ngôn ngữ ký hiệu và không nhất thiết phải nói hoặc nghe để hoạt động và phát triển trong cộng đồng của chúng . Tuy nhiên, nếu trẻ không có những người thông thạo ngôn ngữ ký hiệu xung quanh thường xuyên, đây có thể không phải là lựa chọn phù hợp.
Loại Khuếch đại nào để Chọn ( Các kỹ thuật phục hồi chức năng nghe) :
o Máy trợ thính
o Cấy ốc tai điện tử
o Cấy thân não
o Cấy ốc tai kết hợp máy trợ thính
o Cấy tai giữa
o Máy trợ thính đường xương
Loại Chế độ Giao tiếp để Chọn
Có một số phương pháp phổ biến khác nhau để lựa chọn, một số gia đình thực hiện kết hợp nhiều phương pháp tiếp cận.
Tuy nhiên, nếu mục tiêu là để trẻ có thể nói như thể chúng không bị khiếm thính, một số trong số các cách tiếp cận có thể tác dụng tốt hơn.
Loại Chế độ Giao tiếp để Chọn
-Phương pháp tiếp cận / Trị liệu bằng thính giác-Lời nói
-Phương pháp tiếp cận chỉ bằng ngôn ngữ ký hiệu
-Phương pháp tiếp cận kết hợp
Phương pháp tiếp cận / Trị liệu bằng thính giác-Lời nói:
Trẻ em sử dụng phương pháp này không được tiếp xúc với ngôn ngữ ký hiệu hoặc tín hiệu thị giác để giúp chúng sử dụng thính giác của mình. Trẻ được dạy để sử dụng bất kỳ thính giác nào trẻ còn lại hoặc có sau khi khuếch đại để học cách nghe và nói.
Cách tiếp cận này tập trung nhiều vào việc dạy kỹ năng nghe. Một số chuyên gia tin rằng loại liệu pháp này tạo ra kết quả tốt hơn cho việc tạo ra giọng nói ở trẻ khiếm thính.
Cách tiếp cận này không thể được sử dụng cho đến khi trẻ đã được khuếch đại đủ để có thể nghe được âm thanh lời nói và một số trẻ bị mất thính lực từ nặng đến sâu có thể không được hưởng lợi từ cách tiếp cận này.
Trước khi hình thành kỹ năng nghe và khuếch đại thành công, ngôn ngữ nên được mô hình hóa cho trẻ bằng ngôn ngữ ký hiệu để trẻ được tiếp xúc với các mô hình ngôn ngữ dễ tiếp cận ngay từ sớm.
Phương pháp tiếp cận chỉ bằng ngôn ngữ ký hiệu:
Trong cách tiếp cận này, trẻ em và người chăm sóc đều sử dụng riêng ngôn ngữ ký hiệu. Thông thường nhất, những gia đình chọn phương pháp này có thể có cha mẹ hoặc người chăm sóc khiếm thính hoặc đứa trẻ có thể đang theo học tại một trường dành cho người khiếm thính.
Bên ngoài cộng đồng người khiếm thính, phương pháp này không phổ biến lắm. Thông thường, ngay cả những đứa trẻ bị điếc có cha mẹ là người khiếm thính cũng tham gia vào các liệu pháp phát triển ngôn ngữ nói ở một mức độ nào đó và được tiếp xúc với ngôn ngữ nghe và nói với khả năng tốt nhất của trẻ.
Phương pháp tiếp cận kết hợp:
Có nhiều phương pháp tiếp cận khác thuộc loại “phương pháp tiếp cận kết hợp”. Những cách tiếp cận này sử dụng ngôn ngữ nói với một số loại hỗ trợ trực quan, chẳng hạn như sử dụng ngôn ngữ ký hiệu hoặc dấu hiệu bàn tay bên cạnh miệng. Chúng cũng có thể bao gồm các dạng ngôn ngữ khác để tạo điều kiện học tập, chẳng hạn như ngôn ngữ viết và hình ảnh.
Chuyên viên âm ngữ trị liệu đối với bệnh nhân nghe kém
Trẻ em bị khiếm thính cần tham gia ÂNTL khi còn nhỏ để đảm bảo rằng chúng phát triển các kỹ năng nói và ngôn ngữ một cách bình thường nhất có thể.
Có nhiều điều chúng ta có thể làm trong ÂNTL để giúp một đứa trẻ bị khiếm thính.
Các khuyến nghị và hướng dẫn lâm sàng :
-Vào đầu mỗi buổi học, chuyên viên ÂNTL nên kiểm tra trực quan thiết bị khuếch đại (ví dụ: máy trợ thính, cấy ốc tai điện tử…) .
-Khi cần nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia có liên quan khác (ví dụ: giáo viên khiếm thính, nhà thính học giáo dục).
-Tùy từng trường hợp trẻ, việc quản lý tình trạng nghe ở trẻ em nên bao gồm:
-Can thiệp để phát triển các kỹ năng giao tiếp sớm (ví dụ: giao tiếp bằng mắt, bắt đầu, làm theo lượt)
-Phát triển các kỹ năng xã hội và tương tác (ví dụ: giao tiếp không lời, kỹ năng diễn thuyết, kỹ năng giao tiếp xã hội và các chiến lược bù đắp cho những khiếm khuyết trong giao tiếp).
-Tạo điều kiện phát triển các kỹ năng tiếp thu và diễn đạt ngôn ngữ.
-Các sửa đổi về môi trường để giúp ngôn ngữ và giao tiếp dễ tiếp cận hơn .
-Huấn luyện thính giác .
-Can thiệp trực tiếp để cải thiện khả năng hiểu giọng nói hoặc ký hiệu của trẻ .
-Đọc hiểu .