TỔNG QUAN VỀ BỆNH MÉNIÈRE
ABSTRACT
Ménière disease is a peripheral vestibular problem with unknown reason, difficult to completely heal. Medical methods just help reduce vertigo attacks for a while.
Vestibular nerve section is a good choice to heal the patient with recurrent vertigo attacks without response to medical methods, help enhance patient’s quality of life.
TÓM TẮT
Bệnh Ménière là một bệnh lý tiền đình ngoại biên có nguyên nhân không rõ ràng, khó điều trị. Điều trị nội khoa chỉ giúp bệnh nhân ổn định trong một thời gian nhất định, bệnh hay tái phát.
Khi điều trị nội không hiệu quả và bệnh lý gây ảnh hưởng nặng nề đến khả năng sinh hoạt, làm việc của bệnh nhân thì lựa chọn phẫu thuật cắt dây thần kinh tiền đình giúp giải quyết triệt để được bệnh, nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân.
Định nghĩa:
Bệnh Ménière hay sũng nước mê nhĩ là một rối loạn tai trong vô căn biểu hiện bởi 3 dấu hiệu chính: chóng mặt, ù tai và nghe kém.
Hay gặp ở tuổi trung niên, hiếm gặp ở tuổi già.
Nguyên nhân:
Không rõ. Hậu quả cuối cùng: tăng áp lực nội dịch làm giãn ống ốc tai, phình cầu nang, soan nang.
Chẩn đoán xác định:
Lâm sàng: Bệnh xuất hiện từng cơn kịch phát, ngoài cơn, bệnh nhân gần như bình thường.
Cơn kịch phát gồm 3 dấu hiệu :
-Chóng mặt: chóng mặt dữ dội và kèm nôn ói, kéo dài vài phút đến vài giờ.
-Ù tai kéo dài, ù tai tăng trước và trong khi cơn kịch phát bắt đầu.
-Nghe kém: nghe kém dao động, thường điếc tiếp nhận ở tần số thấp. Đôi khi có cảm giác đầy trong tai.
Trong cơn kịch phát có thể khám dấu hiệu động mắt.
Cận lâm sàng:
Thử nghiệm thính học và tiền đình đóng một vai trò quan trọng trong chẩn đoán bệnh và giai đoạn bệnh Ménière. Bao gồm đo thính lực (thấy sự thay đổi cốt đạo đặc biệt trong các đợt cấp tính của bệnh Ménière), thính lực lời, glycerol khi có ghi nhận mất thính lực, ABR và điện ốc tai đồ.
Bên cạnh đó, có thể đo chức năng tiền đình để đánh giá mức độ tổn thương tiền đình xuất hiện từ giai đoạn đầu của bệnh Ménière: Đo điện động nhãn đồ, Thử nghiệm xung giật đầu, Đo đáp ứng điện cơ tiền đình, và Đo chuyển động tư thế.
Chẩn đoán chính xác cũng rất quan trọng để tư vấn cho bệnh nhân về diễn biến lâu dài của bệnh và cũng như cách quản lý bệnh thích hợp.
THÍNH HỌC:
-Thính lực đồ
-Thính lực lời
-Thử nghiệm Glycerol
-Điện thính giác thân não (ABR)
-Điện ốc tai đồ
TIỀN ĐÌNH
-Phản xạ tiền đình – mắt (Vestibulo-ocular reflex)
Điện động nhãn đồ (ENG/VNG)
Thử nghiệm xung giật đầu (vHIT)
-Phản xạ tiền đình tủy sống (Vetibulospinal reflex)
Đo chuyển động tư thế (Computerized dynamic postulography)
Đo đáp ứng điện cơ tiền đình VEMPs
+ cVEMP
+ oVEMP
Thính lực đồ:
Trong bệnh Ménière, thính lực đồ được dùng đề đánh giá sức nghe của bệnh nhân. Khi bệnh ổn định, thính lực đồ có dạng nghe kém tiếp nhận với ngưỡng bệnh lý ở tần số trầm (ngưỡng trung bình ở 500, 1000 và 2000 Hz lớn hơn 20 dB)
Nghe kém tiếp nhận tần số trầm tai trái.
Hồi thính: đi kèm với nghe kém tiếp nhận, là hiện tượng tăng cảm nhận độ lớn âm thanh. Vài tác giả mô tả bệnh nhân Ménière có một dạng hồi thính đặc biệt- tăng thính
Có thể có một thành phần dẫn truyền gây mất thính lực trong giai đoạn cấp tính của bệnh Menière — rối loạn chuyển hóa nội dịch dẫn đến sự thay đổi áp suất tại cửa sổ hình và bầu dục với sự gia tăng trở kháng thứ cấp. Trở kháng cao làm giảm khả năng truyền âm đường khí, gây nghe kém dẫn truyền ốc tai. Trong những trường hợp này, nhĩ lượng và phản xạ cơ bàn đạp không bị ảnh hưởng.
Nghe kém dẫn truyền (a) hoặc hỗn hợp (b) nghe kém dẫn truyền ốc tai.
Thính lực lời
Bên cạnh thính lực đồ đơn âm, thính lực lời củng cố thêm kết quả thính học, đánh giá toàn bộ đường thính giác.
Thính lực lời
Thử nghiệm Glycerol
Ở những bệnh nhân bị bệnh Menière và nghe kém tiếp nhận thần kinh vĩnh viễn, ngưỡng nghe tần số trầm lớn hơn 40 dB, nên thử nghiệm glycerol. Vì sũng nước nội dịch là cơ chế sinh lý bệnh của bệnh Menière, việc uống dung dịch ưu trương sẽ kéo dịch từ các mô, bao gồm nội dịch. Do đó, áp lực của nội dịch giảm đi và biểu mô cảm nhận thính giác và tiền đình phục hồi. Hiệu quả lâm sàng của việc phục hồi này là cải thiện cả chức năng hệ thống thính giác và tiền đình trong 2 giờ 30 phút sau khi uống, khi kiểm tra lại thính lực đồ đơn âm và thính lực lời.
Thính lực đồ đơn âm cải thiện ít nhất 10dB trên ba tần số liên tiếp và / hoặc thính lực lời cải thiện hơn 12% được coi là xét nghiệm glycerol dương tính. Một số tác giả coi đây là một chỉ định điều trị lợi tiểu, vì hệ thống nội dịch có khả năng điều chỉnh áp suất của nó sau khi uống dung dịch ưu trương.
Thử nghiệm glycerol (+).
Điện thính giác thân não Auditory brainstem response (ABR)
Trong bệnh Menière, ABR được sử dụng để loại trừ các nguyên nhân sau ốc tai có thể gây nghe kém tiếp nhận thần kinh. So sánh sự chệnh lệch giữa 2 tai về thời gian tiềm tàng, khoảng cách liên sóng giữa 2 tai.
Các thông số ABR.
Điện ốc tai đồ (Electrocochleography)
Điện ốc tai đồ (ECochG) là một xét nghiệm thính học khách quan đo điện thế bắt nguồn từ các tế bào lông ốc tai và dây thần kinh thính giác. Các điện thế này được tạo ra giữa một điện cực trên ụ nhô và một điện cực trên dái tai, trong khoảng thời gian 5 ms sau khi kích thích với các tín hiệu âm thanh rất ngắn lặp lại luân phiên (click). Cần trung bình một số lượng lớn điện thế (1000 lần quét) để ghi lại sóng đặc hiệu của điện ốc tai đồ. Tiếng click là kích thích phổ biến nhất được sử dụng trong ECochG do tác dụng của nó đồng bộ hóa rất tốt một số lượng lớn các sợi thần kinh ốc tai, bắt buộc để tạo ra một điện thế hoạt động có thể đo được. Kích thích khởi phát đột ngột, thời gian rất ngắn và phổ tần số rộng, do đó kích thích một số lượng rất lớn các tế bào lông ở phần đáy ốc tai, nơi có tốc độ truyền sóng nhanh nhất.
Điện thế hoạt động toàn bộ.
Đầu tiên là Microphonic ốc tai (cochlear microphonic CM) bắt nguồn từ tế bào lông ngoài và điện thế tổng hợp (summating potential SP) phát sinh từ tế bào lông trong. Điện thế sau synap, được gọi là điện thế hoạt động toàn bộ của dây thần kinh ốc tai, được tạo ra bởi tất cả các sợi thần kinh ốc tai, được kích thích đồng bộ bởi kích thích âm thanh.
Trong sũng nước nội dịch, do áp suất tăng lên trong môi trường thang, màng đáy rung động không đối xứng. Những thay đổi này của sóng truyền dẫn đến một số rối loạn chức năng: microphonic ốc tai bị méo, mở rộng điện thế tổng hợp và mở rộng điện thế hoạt động.
Biên độ của AP so với SP (tỷ lệ SP / AP) tăng lên trong sũng nước mê nhĩ (> 30%). Tỷ số biên độ SP / AP có độ nhạy 50–60% trong chẩn đoán bệnh Ménière và độ đặc hiệu 95%.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy, tỷ lệ diện tích là thông số nhạy cảm hơn để phát hiện sũng nước mê nhĩ. Sự gia tăng hơn 2 lần diện tích SP / AP cùng với sự gia tăng của tỷ số biên độ SP / AP làm tăng độ nhạy và độ đặc hiệu trong chẩn đoán bệnh Menière lần lượt lên 92 và 83,9%. Một số máy EP cho phép tự động đo tỷ lệ diện tích.
Tỉ lệ diện tích SP/AP
Đo tiền đình :
Đo chức năng tiền đình được sử dụng ở những bệnh nhân Menière không chỉ để chẩn đoán dương tính mà còn để đánh giá mức độ tổn thương tiền đình lúc bắt đầu của bệnh Menière.
Nên thực hiện cả phép đo phản xạ tiền đình-mắt (vestibulo-ocular reflex VOR) và phản xạ tiền đình tủy sống (vestibulospinal reflex VSR). Ngoài ra 2 phép đo này còn giúp định lượng mức độ khiếm khuyết tiền đình khi bệnh tiến triển.
Đo phản xạ tiền đình-mắt (vestibulo-ocular reflex VOR)
Đo điện động nhãn đồ Electronystagmography (ENG)/videonystagmography (VNG)
Đo điện động nhãn đồ cho phép định lượng rung giật nhãn cầu, đặc trưng cho rối loạn chức năng phản xạ tiền đình-mắt. Rung giật nhãn cầu, là một chuyển động liên hợp của mắt với pha chậm và pha nhanh gây ra bởi sự bất đối xứng tiền đình, phản ánh các thay đổi của điện thế giác mạc-võng mạc trong quá trình chuyển động của mắt.
Pha chậm là tác dụng của kích thích tiền đình và biên độ của nó tỷ lệ với cường độ kích thích tiền đình. Pha nhanh có nguồn gốc trung ương và chỉ phản ánh chuyển động phản xạ của mắt để trở về vị trí bình thường trong ổ mắt. Hướng pha nhanh là hướng rung giật nhãn cầu.
Ghi rung giật nhãn cầu = các thay đổi của điện thế giác mạc-võng mạc.
Tính toán vận tốc rung giật nhãn cầu pha chậm, nguồn gốc tiền đình..
Định lượng rung giật nhãn cầu dựa trên một số thông số:
Hướng của rung giật nhãn cầu — tuyến tính, thẳng đứng, xoay tròn; rung giật nhãn cầu đập phải, trái, trên- hoặc dưới.
Có nhiều phép đo được bao gồm trong kỹ thuật VNG: rung giật nhãn cầu tự phát, rung giật nhãn cầu tư thế và định vị, cũng như rung giật nhãn cầu kích thích (nghiệm pháp ghế xoay hoặc nhiệt). Nghiệm pháp kích thích chỉ được khuyến nghị nếu bệnh nhân không ở trong giai đoạn chóng mặt cấp tính.
Ở những bệnh nhân mắc bệnh Menière, kết quả của ENG / VNG khác nhau tùy thuộc vào giai đoạn (cấp tính, bán cấp tính hoặc mãn tính) và thời gian của bệnh.
Vào đầu giai đoạn cấp tính, do những vết rách nhỏ trong màng Reissner và sự gia tăng nồng độ kali trong nội dịch, biểu mô cảm giác tiền đình ở tai bị ảnh hưởng bị kích thích và rung giật nhãn cầu tự phát đập về phía tai Menière. Ngay sau đó, do nồng độ kali không ngừng tăng lên, tế bào lông tiền đình bị nhiễm độc và giảm chức năng. Trong giai đoạn này, rung giật nhãn cầu tự phát thay đổi hướng về phía tai lành.
Rung giật nhãn cầu tự phát: A - giai đoạn đầu của cơn (hướng về tai bị ảnh hưởng); B — kết thúc cơn (về phía tai không bị ảnh hưởng).
Trong những ngày tiếp theo sau đợt cấp tính của bệnh Menière, kết quả nghiệm pháp ghế xoay và nghiệm pháp nhiệt sẽ thay đổi — hoặc là suy giảm chức năng ở tai bị ảnh hưởng, hoặc chức năng tai trong đối xứng.
Không có tổn thương tiền đình cố định ở hầu hết các bệnh nhân. Trong bệnh Menière kéo dài (ảnh hưởng lâu dài / mãn tính), bệnh nhân thường giảm chức năng nhiệt biểu hiện của tai bị ảnh hưởng (1/2—2 / 3 số bệnh nhân) vì phản xạ tiền đình mắt phản ánh lượng tín hiệu đầu vào giảm từ tai bị tổn thương.
Chỉ số giảm phản xạ-giảm chức năng nhiệt tai trái> 30%.
Trong nghiệm pháp ghế xoay, kết quả thường bình thường. Hiếm khi thấy hướng trội, thường là trong bệnh Ménière’s kéo dài, khi tổn thương tiền đình ổn định ở một mức độ nào đó . Nhưng ngay sau một cơn cấp tính, cường độ phản xạ tiền đình mắt tăng lên khi xoay về phía tai bị ảnh hưởng.
Đáp ứng phản xạ tiền đình mắt đối xứng trong nghiệm pháp ghế xoay.
Giữa các đợt cấp tính, bệnh nhân bệnh Menière có thể bị chóng mặt tư thế, thường là do chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (BPPV). Rối loạn chuyển hóa nội dịch ảnh hưởng đến chức năng của các vân mạch với các tác động tiêu cực thứ phát lên thạch nhĩ. Tuy nhiên, BPPV thường liên quan đến migraine tiền đình hơn là bệnh Menière.
Nghiệm pháp xung giật đầu (Video head impulse test) :
Nghiệm pháp xung giật đầu cũng đánh giá chức năng ống bán khuyên.
Tính toàn vẹn của phản xạ tiền đình mắt cho phép đối tượng được đo duy trì tầm nhìn cố định trong quá trình quay đầu ở tốc độ cao gia tốc cao trong không gian (đạt được các giá trị gần bằng 1,0, là tỉ số giữa vận tốc đầu và mắt). Sự quay được thực hiện trong mỗi mặt phẳng với tác động kích thích lên mỗi trong số sáu ống bán khuyên.
Nghiệm pháp xung giật đầu dương tính là biểu hiện cho sự tổn thương hoàn toàn của các sợi kết nối với ống bán khuyên được thử nghiệm. So với nghiệm pháp nhiệt, nghiệm pháp xung giật đầu bất thường rất ít xảy ra ở bệnh nhân Menière, có thể do tổn thương tiền đình không hoàn toàn.
Phản xạ tiền đình tủy sống Vestibulospinal reflex (VSR)
Thăng bằng là một quá trình phức tạp, thiết yếu trong cuộc sống và các hoạt động hàng ngày của con người. Nó cho phép đứng trên các phần đế khác nhau cũng như đi và chuyển động khác mà không bị ngã hoặc mất thăng bằng.
Vị trí của cơ thể và đầu trong không gian, liên quan đến trọng lực và các điểm mốc của môi trường (ví dụ như theo chiều thẳng đứng), dựa trên thông tin của hệ thống cảm giác vận động, thị giác và tiền đình bình thường và có tương quan. Quan trọng nhất là hệ thống cảm giác vận động - các cơ quan cảm thụ bản thể từ bàn chân và cổ đóng góp chủ yếu vào trạng thái thăng bằng khi chúng ta chuyển động trong không gian.
Trong bệnh Menière, sinh lý bệnh của bệnh giải thích chức năng tiền đình không ổn định của tai bệnh. Không có khiếm khuyết ổn định, ít nhất là không có khiếm khuyết hoàn toàn, hoặc ngay từ giai đoạn đầu của bệnh. Vì lý do này, các phep đo tiền đình có các kết quả khác nhau, từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác, như chúng ta đã nói trong phần ENG.
Đo chuyển động tư thế (Computerized dynamic posturography)
Đo chuyển động tư thế cho các thông số cụ thể trong việc theo dõi bệnh nhân mắc bệnh Menière — để chẩn đoán và kiểm soát bệnh. CDP dựa trên một hệ thống tấm lực có khả năng đo cân bằng trước-sau của trọng tâm của đối tượng được thử nghiệm và tự động so sánh sự cân bằng này với các giá trị bình thường ở nhóm tuổi của bệnh nhân.
Thử nghiệm cơ quan cảm giác Sensory organization test (SOT) là thử nghiệm phổ biến nhất của CDP. Nó cho phép sử dụng có chọn lọc từng hệ thống trong số ba hệ thống liên quan đến trạng thái cân bằng trong sáu điều kiện thử nghiệm khác nhau, nhờ đó, đánh giá toàn diện và có chọn lọc về trạng thái cân bằng, dựa trên hệ thống được sử dụng để duy trì vị trí đứng trong quá trình thử nghiệm.
Các trạng thái thử nghiệm CDP/SOT
Nếu hình chiếu của trọng tâm trong quá trình đo còn nằm bên trong phần đế và không có hỗ trợ bên ngoài nào được sử dụng để ổn định, thì bệnh nhân vẫn có thể duy trì trạng thái cân bằng của mình và kết quả bình thường sẽ được hiển thị khi kết thúc thử nghiệm.
Nếu bệnh nhân không thể tự nguyện kiểm soát sự cân bằng trong các thông số được mô tả, họ sẽ nhận được điểm thăng bằng bệnh lý, được hiển thị bằng màu với quy ước màu sắc và cả với các giá trị số.
Kết quả CDP bình thường.
Kết quả CDP bệnh lý : Khiếm khuyết tiền đình.
Ở những bệnh nhân mắc bệnh Menière, CDP thường hiển thị kết quả bình thường, vì ở giữa các cơn, bệnh nhân không có vấn đề gì về thăng bằng và tình trạng khiếm khuyết tiền đình cấp tính của tai bệnh đã được bù trừ. Ngay sau giai đoạn cấp tính, điểm số tiền đình có thể bất thường.
Đo đáp ứng điện cơ tiền đình (Vestibular evoked miogenic potentials)
Đo đáp ứng điện cơ tiền đình VEMPS là thử nghiệm khách quan tương đối mới được thiết kế để đo chức năng thạch nhĩ.
Để phản ứng với kích thích âm thanh lớn (95–97dB nHL), biểu mô cảm nhận tiền đình ở cầu nang tạo ra điện thế hoạt động ở dây thần kinh tiền đình dưới và xa hơn trong đường tiền đình tủy sống và tiền đình-mắt.
Điện thế hoạt động được truyền qua đường tiền đình tủy sống tạo ra các đáp ứng cơ chịu tác động của tiền đình tủy sống (cơ cổ - cVEMP) hoặc phản xạ tiền đình - mắt (cơ quanh mắt - oVEMP).
Đo đáp ứng điện cơ tiền đình cổ (Cervical VEMP)
cVEMP biểu diễn cho một đáp ứng hai pha ức chế trong cơ ức đòn chũm cùng bên sau khi kích thích âm thanh lớn của cầu nang, có thể được ghi lại bằng các điện cực bề mặt.
Điện thế P13-N23 dương-âm được ghi lại với thời gian tiềm tàng bình thường lần lượt là 13 và 23 ms. Độ nhạy lớn nhất của thạch nhĩ soan nang là tại kích thích 200-1000 Hz, dải tần số tương ứng cao nhất với chức năng cầu nang cũng như các đặc tính cộng hưởng (tương ứng ới kích thước cầu nang)
cVEMP
Các thay đổi biên độ tương quan với sự co cơ.
Sự khác biệt hơn 30% giữa các biên độ cVEMP được coi là bất thường, hoặc do giảm chức năng hoặc tăng chức năng cầu nang tùy thuộc vào bệnh lý.
Trong bệnh Menière, sũng nước nội dịch liên quan đến cầu nang từ những giai đoạn rất sớm với các thay đổi thứ cấp về các đặc tính cơ học của cầu nang. Do cVEMP phụ thuộc vào các đặc điểm vật lý của cầu nang, nên cVEMP được bao gồm trong bộ xét nghiệm tiền đình để chẩn đoán bệnh Menière. Trong hơn 50% bệnh nhân mắc bệnh Menière, click cVEMP bất thường hoặc không có. Người ta cũng thấy trong sũng nước nội dịch, tần số ghi của VEMP cao hơn và trải rộng hơn bình thường do các thay đổi về đặc điểm cộng hưởng của cầu nang.
Hai sự thay đổi này (làm giảm tốc độ và thay đổi tần số của cVEMP) càng tăng lên khi bệnh Menière tiến triển lâu hơn và mức độ nặng hơn. Ngoài ra, hơn 20% bệnh nhân mắc bệnh Menière có kết quả cVEMP bất thường ở tai không bệnh, khuyến cáo VEMP như một xét nghiệm dự báo cho bệnh Menière hai bên.
Một nghiên cứu khác cho thấy mối tương quan giữa các thay đổi ngưỡng cVEMP giữa tai bệnh và tai không bệnh và mức độ nghiêm trọng của bệnh Menière.
Trong một số ít bệnh nhân mắc bệnh Menière, VEMP tăng biên độ, thậm chí gấp ba lần khi kết thúc thử nghiệm glycerol dương tính như là mộtbằng chứng về sự hiện diện của sũng nước nội dịch.
Thay đổi biên độ VEMP trong thử nghiệm glycerol dương tính.
Đo đáp ứng điện cơ tiền đình mắt (Ocular VEMP)
Đo đáp ứng điện cơ tiền đình mắt (Ocular VEMP) là một phiên bản khác của đo đáp ứng điện cơ tiền đình, đo chức năng cầu nang đáp ứng với kích thích âm thanh rất lớn (khoảng 120-130 dB SPL) hoặc chức năng soan nang khi đáp ứng với rung động trên ốc tai.
Các điện cực đặt bên dưới hốc mắt ghi lại phản ứng kích thích trong cơ chéo dưới đối bên.
Sóng âm đầu tiên của oVEMP thời gian tiềm tàng khoảng 10 ms được gọi là n10. Sóng n10 này là thời gian tiềm tàng của cơ chéo dưới.
Ngoài ra, ở bệnh nhân Menière giai đoạn đầu được đo trong cơn, oVEMP n10 đối bên được tăng cường so với khi đo cùng bệnh nhân lúc bình thường. Có thể là do những thay đổi cơ học trong mê nhĩ làm tăng đáp ứng cảm nhận của các thụ thể trong soan nang đối với kích thích rung dẫn truyền xương. Cũng có những thay đổi tần số oVEMP giống như đã nói trong cVEMP khi kích thích bằng âm thanh những bệnh nhân Menière.
Tiêu chuẩn chẩn đoán
-Có hơn hay bằng 2 cơn chóng mặt ít nhất 20 phút và kéo dài hơn 12 giờ.
-Nghe kém tiếp nhận tần số trầm và trung. Ngưỡng nghe phải tăng thêm ít nhất 30 dB ở tai bệnh ở 2 tần số liên tiếp < 2000 Hz.
-Các triệu chứng ở tai dao động (giảm nghe, ù tai và/ hoặc cảm giác đầy tai) ở bên tai bệnh. Phải trong vòng 24 giờ quanh cơn chóng mặt.
-Không có chẩn đoán bệnh lý tiền đình khác.
Chẩn đoán phân biệt:
Cơn chóng mặt migraine tiền đình, Viêm thần kinh tiền đình, Động kinh tiền đình
Điều trị - tiên lượng:
1. Nội khoa:
a/Điều trị tại chỗ: Khi điều trị nội không hiệu quả
Aminoglycosides xuyên màng nhĩ
Steroids xuyên màng nhĩ
b/Điều trị toàn thân
Chế độ ăn, sinh hoạt:
Ăn hạn chế muối, dùng thuốc lợi tiểu.
Hạn chế rượu, bia, thuốc lá, cà phê.
Trong cơn kịch phát có thể dùng thuốc điều trị triệu chứng:
+Thuốc trị chóng mặt:
Acetylleucine 500mg (Tanganil 500mg) 1v x 2-3 lần/ ngày (u)hoặc dùng đường tiêm khi cần thiết.
Betahistine dihydrochloride 16 mg ( Betaserc 16 mg ) 1v x 3 lần/ngày (u) hoặc 24mg 1v x 2 lần/ ngày (u)
+Thuốc an thần kinh:
Diazepam (Valium): 5 mg 1-2v/ ngày
+Thuốc chống buồn nôn:
Metoclopramide (Primperan 10 mg) 1 ống à2 ống lần/ ngày (TB)
Steroids đường toàn thân ( không quá 1 mg/kg/ngày)
2. Ngoại khoa:Khi điều trị nội không hiệu quả
-Mở túi nội dịch
-Cắt thần kinh tiền đình
-Khoét mê nhĩ
Vai trò của betahistine: có tác dụng phòng ngừa cơn.
Thời gian điều trị betahistine đối với bệnh Ménière được khuyến nghị là khác nhau tùy theo tần suất của các cơn, từ tối thiểu là 3 tháng đến tối đa là 1 năm.
Biến chứng: Giảm chất lượng sống do các cơn chóng mặt xảy ra bất kỳ, ù tai và giảm thính lực khiến bệnh nhân mệt mỏi, lo âu,căng thẳng.
Phòng ngừa: Hạn chế muối, nước, cà phê, rượu, bia, thuốc lá.
Ngăn ngừa rủi ro: nguy cơ té ngã, tàn phế do mất thăng bằng, không làm được những công việc ở độ cao hoặc vận hành máy móc nặng.
KẾT LUẬN
Bệnh Ménière là một bệnh lý tiền đình ngoại biên có nguyên nhân không rõ ràng, khó điều trị. Điều trị nội khoa chỉ giúp bệnh nhân ổn định trong một thời gian nhất định, hay tái phát.
Betahistine có tác dụng hiệu quả trong phòng ngừa cơn cấp.
Khi điều trị nội không hiệu quả và bệnh lý gây ảnh hưởng nặng nề đến khả năng sinh hoạt, làm việc của bệnh nhân thì lựa chọn phẫu thuật cắt dây thần kinh tiền đình giúp giải quyết triệt để được bệnh, nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân.