(AUDITORY STEADY – STATE RESPONSE)
Đo đáp ứng trạng thái bền vững thính giác – ASSR :
Nghiệm pháp đo đáp ứng trạng thái bền vững thính giác ( ASSR ) đo đáp ứng điện của thần kinh thính giác với các kích thích âm thanh được chuẩn hóa về mặt biên độ, tần số và tần suất kích thích .
Kết quả của nghiệm pháp này là vẽ được thính lực đồ của trẻ dựa trên đáp ứng của não với kích thích âm thanh ở cường độ nhỏ nhất, ngoài ra nghiệm pháp cũng cho phép xác định ngưỡng nghe khách quan của trẻ một cách xác thực về mặt tần số cũng như ngưỡng nghe với kết quả đo thính giác chủ quan và không phụ thuộc vào trạng thái của người đo, độ tuổi cũng như mức độ nghe kém.
Đo đáp ứng bền vững thính giác (Auditory steady-state response – ASSR) gần giống như Đo điện thính giác thân não ABR. Tuy nhiên ASSR có thể đánh giá 4 tần số (500, 1000, 2000, 4000 Hz) 2 tai cùng lúc và ASSR có thể giúp phân biệt điếc nặng và điếc sâu (rất hữu ích cho việc tập luyện phục hồi chức năng và chọn lựa giữa việc đeo máy nghe và cấy ốc tai). ASSR tạo thính lực đồ ước lượng nhanh bằng cách thống kê.
So sánh ABR & ASSR
Giống nhau :
Sử dụng cùng thiết bị căn bản và phương pháp đo
Cùng chuyển kích thích thính giác
Cùng kích thích hệ thống thính giác
Cùng ghi nhận các đáp ứng điện sinh lý từ hệ thống thính giác qua điện cực
Không phụ thuộc ý chí của bệnh nhân
Khác nhau :
ABR sử dụng tiếng kích thích là click hoặc tone burst ( mỗi lần chỉ 1 âm và 1 tai) với tần suất chậm hơn.
ASSR sử dụng âm thanh được điều chỉnh biên độ và tần số tần suất nhanh để kích thích hệ thống thính giác với 4 tần số và 2 tai cùng 1 lúc.
ABR chủ yếu dưa vào phân tích chủ quan về biên độ sóng
ASSR dựa vào phân tích thống kê về khả năng đáp ứng với độ tin cậy 95%
ABR đo bằng microvolts, ASSR đo bằng nanovolts.
Kích thích ASSR
Hiện tại, chưa có tiêu chuẩn toàn cầu cho thiết bị ASSR. Các thông số và phương pháp kích thích và ghi nhận được thiết kế thay đổi tùy thuộc nhà sản xuất.
Tai nghe insert: được chọn để đưa âm kích thích vào. Khi dùng trong ASSR tai nghe insert cho phép cường độ âm kích thích rất lớn (bằng hoặc lớn hơn 100 dB). Tuy nhiên, âm kích thích với cường độ rất lớn có thể gây một đáp ứng tiền đình khó phân biệt với đáp ứng thính giác (do ASSR không cho thấy dạng sóng theo khoảng thời gian). Thêm nữa, âm quá lớn có thể gây hại cho thính giác.
Âm kích thích băng tần rộng và tần số đặc hiệu. ASSR có thể được đo bằng cách dùng âm kích thích băng tần rộng (tức là tần số không đặc hiệu) hoặc tần số đặc hiệu. Âm kích thích băng tần rộng bao gồm tiếng clicks, tiếng ồn, tiếng ồn điều chỉnh biên độ, và tiếng chirps.
Âm kích thích tần số đặc hiệu bao gồm tiếng clicks đã được lọc, tiếng chirps giới hạn băng tần, âm nổ tiếng ồn dải tần hẹp, âm nổ, tiếng ồn dải tần hẹp điều chỉnh biên độ, hoặc đơn âm điều chỉnh biên độ và tần số.
Âm “chirps” được sử dụng sau này tỏ ra rất độc đáo và hữu hiệu trong việc rút ngắn thời gian thu thập dữ liệu so với các kỹ thuật ASSR truyền thống.
Các tần số thử nghiệm 500, 1000, 2000 và 4000 Hz thường được sử dụng làm kích thích sóng mang ASSR.
Phân tích ASSR dựa trên dữ kiện là các sự hiện diện điện sinh học trùng khớp với tốc độ lặp lại kích thích.
Phương pháp phân tích cụ thể sẽ phụ thuộc vào thuật toán phát hiện thống kê của nhà sản xuất.
Hình 2. Phân tích phổ FFT cho thấy việc phát hiện tần suất điều chỉnh và sóng âm khi xuất hiện tiếng ồn ngẫu nhiên.
Vị trí đặt điện cực cho ASSR thường giống hoặc tương tự với khi đo ABR. Hai điện cực hoạt động được đặt tại hoặc gần đỉnh, và ở dái tai / xương chũm một bên, trong khi điện cực đất được đặt trên trán thấp.
Hình 3.Ví dụ về đo ASSR. Màu xanh là có đáp ứng nghe, màu đỏ là không có đáp ứng
Hầu hết các thiết bị ASSR đều cung cấp các bảng hiệu chỉnh để chuyển đổi các ngưỡng ASSR đo được thành thính lực đồ HL (Hearing Level) ước tính. Nói chung, thính lực đồ dựa trên ASSR ước tính cung cấp thông tin tương tự như thính lực đồ đơn âm.
ASSR đã được chứng minh là đáng tin cậy và hiệu quả trong việc dự đoán ngưỡng nghe.
Hình 4. Biểu đồ cho thấy cường độ dB của ASSR so sánh với thính lực đồ ước lượng trên nền tảng bảng chuyển đổi.
Tuy nhiên lời khuyên là nên luôn luôn kiểm tra chéo. Đặc biệt ASSR được báo cáo là có xuất hiện nhiễu khá nhiều trong các tình huống bất thường. Đo dẫn truyền xương chưa xác định, và ứng dụng đo trong các bệnh lý khác (ví dụ Ménière, u thần kinh thính giác, bệnh lý thần kinh thính giác…) vẫn còn đang được nghiên cứu trên thế giới.