NHỮNG QUAN NIỆM SAI LẦM VỀ CHƯƠNG TRÌNH TẦM SOÁT SỨC NGHE Ở TRẺ SƠ SINH
ThSBS Đỗ Hồng Giang
( suckhoeonline.net.vn )
Trên thế giới ở các nước phát triển, việc tầm soát sức nghe ở trẻ sơ sinh là bắt buộc tại các cở sở sản khoa, giúp phát hiện và can thiệp sớm các trẻ khiếm thính nhằm giảm thiểu những hậu quả nặng nề về phát triển ngôn ngữ và khả năng hội nhập xã hội do việc phát hiện trễ.
Tại Việt Nam chương trình này đã có tại một số bệnh viện sản khoa.
Phương pháp đo thường sử dụng là đo âm ốc tai ( Otoacoustic Emission OAE), và đo điện thính giác thân não tự động (Automated Auditory Brainstem Response AABR).
Âm ốc tai dùng để kiểm tra sự toàn vẹn của tế bào lông trong ốc tai. Đo điện thính giác thân não nhằm đo đáp ứng điện của vùng thân não thính giác. Hai phương pháp này có độ tin cậy tương đối cao có thể tầm soát nhanh sức nghe của số lượng lớn trẻ sơ sinh.
Tuy nhiên một số phụ huynh chưa nắm rõ và còn quan niệm sai lầm về chương trình này. Sau đây là một số quan niệm sai lầm thường gặp ở phụ huynh khi nói về việc đưa con em đi khám tầm soát sức nghe sớm.
Đo âm ốc tai tại Khoa thính học BV TMH TPHCM
Ốc tai và tế bào lông
Đo điện thính giác thân não tại Khoa thính học BV TMH TPHCM
SAI: Cha mẹ sẽ nhận biết được con mìnhh bị nghe kém ở khoảng 2-3 tháng tuổi.
ĐÚNG : Trước khi có chương trình tầm soát, tuổi trung bình trẻ nghe kém được phát hiện là khoảng 2-3 tuổi, trẻ nghe kém nhẹ đến trung bình thường không được phát hiện cho đến 4 tuổi.
SAI: Cha mẹ có thể xác định nghe kém bằng cách vỗ tay phía sau trẻ.
ĐÚNG: Trẻ em có khả năng bù trừ cho sự nghe kém. Trẻ có thể nhìn thấy những gợi ý như bóng của động tác hay biểu hiện và phản ứng của cha mẹ, hoặc cảm nhận hơi gió do động tác vỗ tay.
SAI: Chỉ có những trẻ trong nhóm nguy cơ cao mới cần tầm soát sức nghe.
ĐÚNG: Một nửa số trẻ nghe kém không thuộc nhóm quy cơ cao, do vậy cần thiết phải tầm soát tất cả các trẻ.
SAI: Tỉ lệ nghe kém không cao đến mức cần chương trình tầm soát sức nghe. ĐÚNG: Tỉ lệ trẻ sơ sinh nghe kém lên đến 2-4 ca trong 1000 trẻ sơ sinh, là một trong những dị tật bẩm sinh thường gặp nhất.
SAI: Các phương pháp đo tầm soát không đáng tin cậy khiến nhiều trẻ phải đến các chuyên khoa để kiểm tra thêm.
ĐÚNG: Tỉ lệ cần kiểm tra thêm thấp chỉ khoảng 5-7 %.
SAI: Không cần xác định sớm tình trạng nghe kém, đợi đến 2-3 tuổi cũng được. ĐÚNG:Trẻ được xác định nghe kém trễ hơn 6 tháng sau sinh có thể bị chậm nói. Trẻ được phát hiện nghe kém sớm trước 6 tháng sau sinh sẽ không bị chậm phát triển ngôn ngữ so với kẻ cùng lứa.
SAI: Trẻ nhỏ hơn 12 tháng không thể đeo máy nghe.
ĐÚNG: Trẻ một tháng tuổi đã có thể đeo và nghe được bằng máy trợ thính.