CÁC CÂU HỎI VỀ CHÓNG MẶT
Chóng mặt là gì ?
1.Chóng mặt thật sự: là cảm giác đồ vật xoay quanh bệnh nhân hoặc bệnh nhân xoay quanh đồ vật. Chóng mặt thật sự luôn luôn là một tổn thương tiền đình (trung ương hoặc ngoại biên)
2.Cảm giác chóng mặt: là cảm giác bị dịch chuyển trong không gian, tuy không rõ nét như chóng mặt thật sự nhưng nếu nó xảy ra chi khi quay đầu hoặc nặng lên rõ rệt khi quay đầu thì tổn thương thường cũng có nguồn gốc từ tiền đình.
3.Cảm giác mất thăng bằng: cảm giác này không kèm theo bất kỳ cảm giác khác lạ nào trong đầu. Nó có thể có nguồn gốc từ tiền đình, nhưng cũng có thể có nguồn gốc từ tiểu não, từ cảm giác sâu (cảm giác bản thể), từ hệ thị giác.
4.Cảm giác sợ hãi muốn té xuống hầu như trong đa số trường hợp có nguồn gốc từ tâm lý.
5.Cảm giác choáng váng, cảm giác hoa mắt thường tương ứng với những bệnh lý tim mạch hoặc bệnh tâm thần.
Do đâu ta bị chóng mặt ?
Chóng mặt sinh lý :
Xảy ra khi
1.não có sự mất cân đối trong ba hệ thống giữ thăng bằng (hệ tiền đình, hệ thị giác, hệ thống cảm giác bản thể hay còn gọi là hệ cảm giác sâu). Ví dụ như chóng mặt do đi xe, chóng mặt do độ cao, chóng mặt thị giác khi nhìn một loạt cảnh chuyển động nối tiếp nhau (do cảm giác thị giác ghi nhận những cử động của môi trường bên ngoài không được đi cùng với những biến đổi kế tiếp của hệ tiền đình và hệ cảm giác bản thể)
2.hệ tiền đình gặp những vận động đầu mà nó chưa thích nghi cả, ví dụ như say sóng
3.Tư thế bất thường của đầu và cổ, ví dụ như ngửa đầu ra quá mức khi sơn trần nhà.
Chóng mặt không gian (space sickness) là chóng mặt thoáng qua thường gặp, do vận động chủ động của đầu trong môi trường không có trọng lực là một ví dụ của chóng mặt sinh lý.
Chóng mặt bệnh lý : do tổn thương hệ thị giác, hệ cảm giác bản thể hoặc hệ tiền đình.
- Chóng mặt thị giác là do thấy những hình ảnh mới hoặc hình ảnh không thích hợp, hoặc do xuất hiện liệt đột ngột cơ vận nhãn kèm theo song thị; trong trường hợp này hệ thần kinh trung ương sẽ nhanh chóng bù trừ tình trạng chóng mặt này.
- Chóng mặt do rối loạn cảm giác sâu hiếm khi là triệu chứng đơn độc. Chóng mặt lúc này thường do bệnh lý thần kinh ngoại biên (có rối loạn cảm giác sâu) làm giảm những xung động cảm giác cần thiếtđến hệ thống bù trừ trung ương kèm với rối loạn chức năng của hệ tiền đình hoặc hệ thị giác.
- Chóng mặt do rối loạn chức năng hệ tiền đình là nguyên nhân thường gặp nhất, chóng mặt thường kèm theo buồn nôn, rung giật nhãn cầu, thất điều dáng đi. Do chóng mặt tăng lên khi cử động đầu nhanh, bệnh nhân thường có khuynh hướng giữ đầu nằm yên không nhúc nhích.
Chóng mặt thường bị nhầm lẫn với các bệnh lý gì ?
Chóng mặt thường bị nhầm lẫn với cảm giác lâng lâng, choáng váng, chao đảo hoặc tối sầm mắt. Thường do hạ huyết áp, hạ đường huyết, mất ngủ, lo âu, mệt mỏi, tác dụng phụ của thuốc hoặc các bệnh lý của hệ thống tiểu não và cảm giác sâu.
Chóng mặt có nguy hiểm không ?
Chóng mặt không nguy hiểm nhưng gây nguy cơ té ngã chấn thương sọ não hoặc gãy xương.
Hoặc nguy hiểm do bệnh nguyên nhân (u não, đột quị…)
Khi nào cần tới bệnh viện ?
Khi có các triệu chứng nặng sau bệnh nhân cần đến bệnh viện để được khiểm tra đầy đủ:
Nhức đầu dữ dội, ngất, tê yếu liệt, méo miệng, mờ mắt…
Chảy mủ tai, ù tai, nghe kém…
Sốt, nôn ói dữ dội, đau ngực…
Có tiền sử đột quị, bệnh mạn tính…
Điều trị ra sao ?
Mục đích điều trị là cắt cơn chóng mặt, phục hồi chức năng tiền đình
Điều trị nội khoa
a. Điều trị cơn chóng mặt cấp
Người bệnh được đặt trong phòng tối yên tĩnh, tránh các cử động, các kích thích
tâm lý.
− Thuốc: dịch truyền ưu trương.
− Thuốc chống nôn: atropin, metoclopramid, dimenhydrinat..
− Thuốc chống chóng mặt: tanganil..
− Thuốc an thần: seduxen..
b. Điều trị chặn cơn chóng mặt kịch phát:
− Tránh các kích thích tâm lý, tránh di chuyển bệnh nhân, thay đổi tư thế đột
ngột, nơi ồn ào nhiều ánh sáng, tránh tắm lạnh.
− Chế độ ăn: tránh ăn socola, lạp xường, xúc xích, mì chính, tránh uống rượu,
cocacola, café…
− Thuốc: lợi tiểu, tanakan, duxil, cinarizin, serc, kháng histamin, steroid, an
thần, aspirin…
c. Điều trị nguyên nhân
Tùy theo nguyên nhân mặt mà chọn phương pháp điều trị thích hợp:
Điều trị cơn chóng mặt kịch phát lành tính:
+Các thủ thuật tái định vị thạch nhĩ
+Phẫu thuật bít lấp ống bán khuyên sau không cho thạch nhĩ rơi vào vùng này (nếu thủ thuật không mang lại kết quả).
Điều trị nguyên nhân nhiễm độc: ngừng ngay các tác nhân gây nhiễm độc, huyết thanh ngọt ưu trương (Glucose 30%) tiêm truyền tĩnh mạch. Sử dụng thuốc steroid, lợi tiểu, thuốc phục hồi tế bào thần kinh tiền đình (Nevramin, B1, B12 liều cao).
-Rò ngoại dịch tai trong do chấn thương: phẫu thuật bít lấp đường rò.
-Viêm tai trong có mủ: khoét mê nhĩ hủy diệt tiền đình kết hợp kháng sinh liều cao.
-Viêm tai giữa: phẫu thuật giải quyết bệnh tích viêm kết hợp bít lấp rò ống bán khuyên.
Điều trị ngoại khoa
a. Phẫu thuật thần kinh sọ não: phình mạch, mảng vôi hóa thành mạch hoặc thoái hóa đốt sống cổ gây chèn ép động mạch đốt sống…
b. Phẫu thuật thuộc phạm vi tai mũi họng: điều trị bệnh Ménière như mở túi nội dịch, cắt dây thần kinh tiền đình, phẫu thuật hủy mê nhĩ…
Huấn luyện tiền đình: tiến hành sớm ngay khi có thể, song song với các biện pháp điều trị trên giúp bệnh nhân có thể sinh hoạt trở lại.
Phòng ngừa tái phát
Lối sống lành mạnh
Tập luyện thể thao, huấn luyện tiền đình
Kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện các bệnh lý nền.