CẤY GHÉP THIẾT BỊ NGHE ĐƯỜNG XƯƠNG
Bone Conduction Implant / Bone-anchored Auditory Implant
Cấy ghép thiết bị nghe đường xương là một thiết bị nghe được cấy ghép trong phẫu thuật. Nó được thiết kế để tạo ra cảm giác nghe hữu ích bằng cách truyền âm thanh qua xương sọ phía sau tai đến tai trong bằng cách sử dụng rung động.
Hiện tại thị trường có BAHA (Bone Anchored Hearing Aids), Cầu dẫn truyền đường xương (Bonebridge) và Ponto …
Chỉ định:
Được thiết kế cho những người nghe kém dẫn truyền và hỗn hợp, vì lý do y tế, không thể đeo máy trợ thính thông thường. Ví dụ: Dị dạng tai ngoài hoặc tai giữa, viêm tai giữa chảy mủ mạn tính, dị ứng với núm tai hoặc máy trợ thính …
Những người bị nghe kém một bên tai.
Cơ chế hoạt động của cấy ghép thiết bị đường xương: khác với máy trợ thính truyền thống.
Máy trợ thính truyền thống đưa tín hiệu âm thanh vào hệ thống thính giác bằng cách dẫn truyền không khí. Âm thanh truyền qua ba phần của tai – tai ngoài, tai giữa và tai trong.
Thiết bị nghe đường xương vượt qua các vấn đề về tai giữa và ống tai có thể ngăn sóng âm và tín hiệu đến tai trong, bằng cách gửi rung động âm thanh trực tiếp đến tai trong qua xương sọ. Trong những trường hợp đó, máy trợ thính tiêu chuẩn không hiệu quả.
Trường hợp nghe kém một bên tai, tai trong hoặc dây thần kinh không thể tiếp nhận âm thanh đó và gửi tín hiệu rõ ràng đến não.
Trường hợp nghe kém dẫn truyền hoặc hỗn hợp, do tình trạng tắc nghẽn trong tai, giống như nút tai.
Trong cả hai trường hợp, cấy ghép thiết bị nghe đường xương sẽ gửi âm thanh dưới dạng rung động trực tiếp đến tai trong hoạt động tốt nhất, cho phép nghe rõ ràng, trực tiếp.
Cách thức hoạt động của cấy ghép thiết bị nghe đường xương:
Bộ xử lý âm thanh thu âm thanh qua micro.
Âm thanh được chuyển đổi thành rung động được gửi đến thiết bị cấy ghép bên trong.
Xương dẫn truyền các rung động đến tai trong (ốc tai) một cách tự nhiên. Ở đó, các rung động được chuyển đổi một cách tự nhiên thành các tín hiệu được gửi đến não, nơi chúng được coi là âm thanh.
Sound processor: Bộ xử lý âm thanh.
External magnet: Nam châm bên ngoài.
Internal magnet: Nam châm bên trong.
Titanium implant: Bộ phận cấy titan.
Các loại cấy ghép thiết bị nghe đường xương
Có một số loại cấy ghép thiết bị nghe đường xương.
Thường bao gồm một bộ phận cấy ghép nhỏ đặt sau tai và một bộ xử lý âm thanh được gắn vào bộ phận cấy ghép. Cùng nhau, chúng gửi âm thanh dưới dạng rung động đến tai trong và dây thần kinh thính giác.
Một số thiết bị cấy ghép, bộ xử lý âm thanh gắn vào một trụ titan nhỏ đi qua da cấy đinh vào xương sọ.
Một số loại khác, thiết bị cấy ghép được đặt trên xương sọ dưới da đầu (Không thấy thiết bị cấy ghép bên trong) và có một nam châm giữ bộ xử lý âm thanh tại chỗ ở ngoài da đầu
Đối với trẻ em dưới 5 tuổi hoặc những người có thể không thích lựa chọn phẫu thuật, một số bộ xử lý âm thanh có thể được giữ cố định bằng băng dây thun quanh đầu hoặc miếng dán dính chắc.
Các thông tin cần thu thập:
Các xét nghiệm thính học: để đánh giá mức độ mất thính lực và vị trí tổn thương.
Đánh giá lựa chọn thiết bị hỗ trợ nghe: các lựa chọn khác cho những dạng nghe kém này có thể bao gồm khuếch đại truyền thống, máy trợ thính CROS / BICROS hoặc cấy ghép ốc tai điện tử trong một số trường hợp nhất định.
Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI).
Đánh giá sức khỏe tổng quát.
Đánh giá giao tiếp: các kỹ năng thính giác, lời nói và ngôn ngữ.
Phẫu thuật cấy ghép thiết bị nghe đường xương:
Trong quá trình phẫu thuật, phẫu thuật viên sẽ đặt một vít cấy nhỏ bằng titan (3-4 mm) vào xương chũm phía sau tai, có một trụ nhỏ nhô ra qua da để gắn bộ phận bên ngoài của thiết bị. Theo thời gian 3-12 tuần, vít cấy titan sẽ tích hợp với xương. Sau đó có thể gắn bộ xử lý âm thanh vào vít.
Đối với loại bộ phận bên trong đặt hẳn vào trong, phẫu thuật viên sẽ rạch da, bóc tách cân cơ sau tai và khoan xương sọ để đặt trên xương.
Xương sọ và da phải lành trước khi gắn thiết bị bên ngoài. Thời gian cần thiết có thể từ 3 tuần đến 3 tháng. Sau khi thiết bị bên ngoài được gắn vào, bộ phận xử lý âm thanh bên ngoài sẽ được lập trình theo tình trạng nghe kém cụ thể của bệnh nhân. Tương tự như đeo máy trợ thính, có thể cần một số điều chỉnh khi bệnh nhân đã quen với việc nghe và nghe các âm thanh khuếch đại.