TRẺ NGHE KÉM – HẬU QUẢ NẶNG NỀ ĐẾN TƯƠNG LAI
ThBS ĐỖ HỒNG GIANG
( suckhoeonline.net.vn)
Các trẻ nghe kém ngay cả nghe kém mức độ nhẹ cũng bị ảnh hưởng đến khá năng tiếp thu thông tin từ âm thanh lời nói khiến trẻ trở nên chậm nghe và nói dẫn đến giảm khả năng tư duy. Các trẻ nghe kém mức độ nặng sâu bị ảnh hưởng rất nặng nề vì trẻ không thể hiểu được ngôn ngữ nói nên khó hòa nhập được với xã hội.
Về giao tiếp, trẻ nghe kém thường không bắt kịp vào các cuộc nói chuyện đang diễn ra xung quanh. Do nghe không rõ ràng và hiểu không thấu đáo nghĩa của cuộc nói chuyện, trẻ thường ngơ ngác khi được hỏi. Trẻ hay hỏi lại người đối thoại. Nếu bị điếc sâu, trẻ hoàn toàn phải sử dụng dấu và cử chỉ để giao tiếp.
Về học hành, vì trẻ không nghe được như bình thường nên việc nghe giảng rất khó khăn, dẫn tới các trở ngại trong học tập. Các môn học như văn học, tiếng Việt, sử, địa... cần nghe nói và viết nhiều nên trẻ thường gặp khó khăn.
Về xã hội, trẻ bị giảm thính lực thường bị hạn chế trong quan hệ xã hội và kết bạn, giao lưu do khó khăn về giao tiếp.
Về tâm lý, đối với trẻ bị giảm thính lực ở độ tuổi nhỏ, những trở ngại tâm lý chủ yếu liên quan đến giao tiếp. Do khó thể hiện được nhu cầu hoặc vì bất lực không hiểu những điều người xung quanh mong muốn, trẻ có thể cáu gắt, hay nổi khùng, dễ gây gổ…Trẻ em ở độ tuổi thiếu niên có thể bị mặc cảm, tự ti, ngại giao tiếp, tránh chỗ có người lạ...
Nguyên nhân gây nghe kém ở trẻ em có thể xảy ra bắt đầu từ thời kỳ mang thai của bà mẹ, thời điểm sanh, và sau khi trẻ ra đời. Thời kỳ bà mẹ mang thai có thể do di truyền, mẹ có bệnh lý (bệnh về máu, tiểu đường…), mẹ mắc bệnh viêm nhiễm (Rubella, CMV, Herpes simplex…), mẹ bị nhiễm độc (dùng thuốc gây độc tai, chụp X quang, tiêm chủng không đúng….). Trong khi sanh như sanh non, cân nặng thấp dưới 2kg, sanh ngạt, chấn thương não do can thiệp sản khoa…Sau khi sanh trẻ có thể mắc những bệnh gây nghe kém giống như người lớn như bệnh nhiễm trùng (viêm màng naõ mủ, sởi, quai bị, viêm não…), các bệnh của tai (viêm tai giữa cấp hoặc mạn tính…), nhiễm độc thần kinh thính giác do một số thuốc (streptomycin, gentamycine, quinin…), chấn thương vào đầu, chấn thương âm thanh…
Phát hiện và can thiệp trẻ nghe kém rất cần sự quan tâm đúng mực của phụ huynh.
Trẻ sinh ra không tự nhiên biết nghe nói mà phải trải qua một quá trình tiếp thu học hỏi ngôn ngữ thông qua giác quan nghe.
Phụ huynh cần để ý đến các mốc phát triển về nghe nói của trẻ để biết trẻ có bị chậm so với các trẻ cùng lứa hay không.
-1 tháng: mở mắt, chớp mắt, giật mình khi nghe âm thanh
-6 tháng: quay đầu hoặc mắt nhình theo hướng phát ra âm thanh
-9 tháng: Lắng nghe âm thanh và tự phát ra các loại âm
-12 tháng: biết tên mình và một số từ, bắt đầu bập bẹ nói
-18 tháng: biết chỉ một số đồ vật quen thuộc khi được yêu cầu, biết nói một số từ đơn giản
-24 tháng: nghe và định hướng được những từ nói nhỏ, nói được những câu đơn giản
Lưu ý khi trẻ có những biểu hiện chậm nghe chậm nói như: trẻ không bị giật mình, không quay đầu về phía tiếng động; trẻ học nói muộn, hoặc dửng dưng trước mọi âm thanh; trẻ ngơ ngác khi nghe nói chuyện; nói ngọng; nhìn miệng để đoán từ. Phụ huynh không nên chủ quan, chờ đợi mà phải nên đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế có chuyên khoa thính học để khám sức nghe và được can thiệp chữa trị kịp thời.
Can thiệp tùy theo mức độ nặng nhẹ của nghe kém. Sau khi đã được điều trị mà sức nghe vẫn không cải thiện thì phải phục hồi chức năng nghe sớm cho trẻ.
Mức độ nghe kém nhẹ, trung bình hoặc một số trường hợp nặng có thể sử dụng máy trợ thính hiệu quả.
Mức độ nghe kém nặng hoặc sâu thường máy trợ thính không giúp ích được nhiều, bệnh nhân nghe nhưng không thể hiểu được âm thanh lời nói thì phải được chỉ định cấy ốc tai điện tử.
Tập luyện sau khi trợ thính rất quan trọng và cần rất nhiều thời gian, công sức.
Can thiệp nếu trễ việc học nghe nói sẽ gặp nhiều khó khăn.
Gia đình cần quan tâm và hỗ trợ trẻ thường xuyên liên tục. Mội trường nhà trường và xã hội cũng đóng một vai trò lớn trong việc hỗ trợ giúp trẻ hội nhập tốt.
Trẻ sơ sinh được đo tầm soát sức nghe ở BV TMH TP HCM
Hiệu chỉnh máy trợ thính tại BV Tai Mũi Họng TP HCM